Luật bóng đá được áp dụng cho cả các biến thể của môn thể thao bóng đá, như futsal và bóng đá bãi biển. Từ năm 1886, luật này được quản lý bởi International Football Association Board (IFAB).

Mục tiêu của trận đấu

Mục tiêu của một trận đấu bóng đá là ghi nhiều bàn thắng hơn đối phương trong khung thời gian thi đấu 90 phút. Trận đấu được chia thành hai hiệp 45 phút. Sau 45 phút đầu tiên, hai đội cùng có 15 phút nghỉ giữa hiệp. Hiệp thứ hai sẽ tiếp tục sau đó và trong hiệp đấu này, trọng tài sẽ cộng thêm một khoảng thời gian phù hợp để bù lại thời gian trận đấu bị gián đoạn (bù giờ).

Sân bóng đá

Kích thước

Từ năm 2008, IFAB đã quyết định đặt kích thước cố định cho một sân bóng theo tiêu chuẩn là:

  • chiều dài 105m
  • chiều rộng 68m

(thay vì chiều dài linh hoạt từ 100m đến 110m và chiều rộng từ 64m đến 75m như trước).

Các đường giới hạn

  • Vạch kẻ đường biên ngang và đường biên dọc không rộng quá 12cm.
  • Đường tròn giữa sân có kích thước 9m15.

Khung thành

Khung thành có bề rộng là 7m32 (khoảng cách tính giữa mép trong của hai cột dọc). Xà ngang cách mặt sân 2m44 (tính từ mép dưới xà ngang).

Cột dọc và xà ngang phải có cùng kích thước và tiết diện không rộng quá 12cm.

Khu cầu môn

Khu cầu môn là một hình chữ nhật được xác định bằng cách:

  • chiều ngang: từ mỗi cột dọc của khung thành kéo ra thêm 5m50 về mỗi phía.
  • chiều dọc: có độ dài 5m50.

Khu phạt đền (vòng cấm địa)

Vòng cấm địa được xác định bằng cách tương tự như khu cầu môn, tuy nhiên với kích thước lớn hơn:

  • chiều ngang: từ mỗi cột dọc của khung thành kéo ra thêm 16m50 về mỗi phía.
  • chiều dọc: có độ dài 16m50.

Trong khu phạt đền có một điểm được đánh dấu để thực hiện các quả đá phạt đền. Khoảng cách đá phạt đền là 11m tính từ vạch khung thành.

Cung phạt góc

Cung phạt góc là 1/4 đường tròn ở bốn góc sân. Bán kính của cung phạt góc là 1m. Đây là vị trí đặt bóng để đá phạt góc.

Vòng tròn giữa sân

Kích thước Vòng tròn giữa sân là 9m15 (bán kính).

Bóng

Quả bóng đạt chuẩn phải đảm bảo những yêu cầu kỹ thuật như sau:

  • khối lượng quả bóng: phải nặng từ 410g - 450g
  • kích thước quả bóng đá: 68cm - 70cm tính theo chu vi
  • áp suất quả bóng đá: từ 0.6 - 1.1 atm (8.8 - 16.2 psi) tại độ cao mực nước biển

Cầu thủ

Mỗi đội có 11 cầu thủ trên sân, bao gồm một thủ môn. Thủ môn là người duy nhất được phép dùng tay chơi bóng trong giới hạn khu cấm địa. Ngoài ra, mỗi đội có thêm một số cầu thủ dự bị để thay thế khi cần thiết. Trong một trận bóng tiêu chuẩn, mỗi đội không được phép thay đổi quá 3 cầu thủ. Cầu thủ sau khi đã thay ra không được phép quay lại thi đấu. Thủ môn là người duy nhất được phép dùng tay chơi bóng trong giới hạn khu cấm địa.

Cầu thủ thi đấu trên sân bị cấm mặc, đeo hoặc mang theo các đồ vật có thể gây nguy hiểm cho cầu thủ đối phương như vòng, dây chuyền hoặc đồng hồ đeo tay. Thủ môn phải mặc áo khác màu với các cầu thủ còn lại trong đội và đối phương để trọng tài phân biệt việc dùng tay chơi bóng giữa thủ môn và các cầu thủ khác. Đội trưởng của một đội đeo một chiếc băng quấn quanh tay áo, được gọi là "băng đội trưởng".

Quyền chọn cầu môn và quyền giao bóng trước

Trọng tài sẽ dùng cách tung đồng xu ở đầu trận đấu. Bên chọn đúng mặt đồng xu sẽ được phép chọn cầu môn (cũng là chọn sân). Bù lại, bên thua sẽ được quyền giao bóng trước trong hiệp một.

Giao bóng

Khi bắt đầu mỗi hiệp đấu hoặc sau mỗi bàn thắng, trận đấu sẽ bắt đầu lại với việc giao bóng. Các quy định về thực hiện giao bóng:

  • Tất cả cầu thủ đều phải đứng trên phần sân của đội mình.
  • Đội không được quyền giao bóng phải đứng cách xa bóng ít nhất 9m15 cho đến khi bóng được đá vào cuộc.
  • Phải được trọng tài thổi còi cho phép giao bóng.
  • Bóng phải được đá về phía trước.
  • Cầu thủ đá quả giao bóng không được tiếp tục chạm bóng lần thứ 2 nếu bóng chưa chạm một cầu thủ khác.

Trạng thái bóng trên sân

Bóng trong cuộc

Bóng được coi là trong cuộc từ lúc bắt đầu trận đấu cho đến khi:

  • Bóng vượt qua hết đường biên và ra ngoài sân, kể cả vạch vôi khung thành
  • Trận đấu được dừng lại bởi trọng tài

Bóng vẫn tính là trong cuộc nếu:

  • Bóng bật trở lại vào sân từ khung thành, cột cờ góc, trọng tài hoặc bất kì người nào khác.
  • Bóng chỉ chạm đường biên mà không lăn qua hết đường biên.

Xác định bóng trong sân hay ngoài sân

trạng thái bóng trên sân

Các quả bóng A, B và C vẫn trong cuộc vì chúng chưa hoàn toàn vượt qua đường biên. Quả bóng D đã ra ngoài đường biên, và là bóng ngoài cuộc.

Bóng ngoài cuộc

Bóng được coi là ngoài cuộc khi:

  • Bóng đã vượt qua hẳn đường biên ngang, biên dọc.
  • Trọng tài thổi còi dừng hoặc tạm dừng trận đấu.

Thời gian bóng ngoài cuộc (thời gian bóng chết) sẽ được trọng tài chính bù thêm vào thời gian thi đấu chính thức.

Bàn thắng

Bàn thắng được công nhận khi trái bóng vượt qua hết vạch vôi khung thành và không có phần nào của trái bóng còn ở trên vạch vôi, giữa hai cột dọc và bên dưới xà ngang, mà trước đó không có lỗi vi phạm luật nào từ phía đội ghi bàn.

Việt vị

Luật việt vị nhằm hạn chế lợi thế của cầu thủ tấn công bằng việc đợi bóng ở sâu trong phần sân đối phương. Luật này nhằm đảm bảo chơi đẹp và liên tục, thúc đẩy sự phát triển chiến thuật cũng như đa dạng lối chơi trong bóng đá.

Một cầu thủ được coi là đứng ở vị trí việt vị khi 4 điều kiện sau đồng thời thỏa mãn tại thời điểm bóng được chuyền đến cầu thủ này:

  1. Cầu thủ đó đứng ở phần sân của đối phương.
  2. Có ít hơn 2 cầu thủ đối phương đứng dưới cầu thủ này (gần đường biên ngang cuối sân hơn).
  3. Đứng dưới vị trí quả bóng.
  4. Có tham gia vào đường bóng đó.

Vị trí của cầu thủ được xác định bằng bất cứ bộ phận nào được phép chạm bóng. Lỗi việt vị không tính khi cầu thủ nhận bóng từ một quả ném biên.

Hành vi phạm lỗi và hành vi phi thể thao

Một lỗi xảy ra khi có cầu thủ vi phạm các điều ghi trong Luật bóng đá. Các lỗi vi phạm được quy định trong điều 12 của Luật bóng đá (đôi khi còn được gọi là "Luật 12"). Các lỗi trong bóng đá thường xuất hiện là câu giờ, đẩy người, kéo áo, xoạc sau, đánh cùi chỏ,.... Đội có cầu thủ vi phạm sẽ chịu cú đá phạt trực tiếp hoặc đá phạt đền từ phía đối phương.

Để cảnh cáo cầu thủ phạm lỗi, trọng tài sẽ sử dụng biện pháp nhắc nhở, nặng hơn là phạt thẻ vàng và nặng nhất là phạt thẻ đỏ. Cầu thủ bị phạt 2 thẻ vàng hoặc 1 thẻ đỏ trực tiếp sẽ bị đuổi khỏi sân và không được thay thế bằng cầu thủ dự bị. Cầu thủ ngoài sân nếu có hành vi không đúng mực cũng sẽ bị trọng tài sử dụng thẻ vàng hoặc thẻ đỏ để cảnh cáo. Với các thành viên ban huấn luyện và huấn luyện viên trưởng, trọng tài thường không sử dụng thẻ vàng, thẻ đỏ mà có quyền đuổi trực tiếp người vi phạm ra khỏi sân.[8] Trong tình huống xét thấy tiếp tục cho bóng động có lợi hơn cho đội bị phạm lỗi, trọng tài có quyền tiếp tục cho trận đấu diễn ra và tiến hành việc cảnh cáo cầu thủ phạm lỗi sau khi bóng chết, tình huống này được gọi là phép lợi thế.

Đá phạt

Đá phạt được thực hiện khi trọng tài xác định đã có một hành vi phạm lỗi trước đó. Tùy vào tính chất mà hình phạt có thể là quả đá phạt gián tiếp, trực tiếp hoặc phạt đền.

Khi thực hiện đá phạt trực tiếp hoặc gián tiếp, bóng được đặt ở nơi xảy ra tình huống phạm lỗi. Bên phòng thủ được phép bố trí cầu thủ đứng chắn hướng sút (xây hàng rào). Các cầu thủ này phải đứng cách bóng ít nhất là 9m15. Trong trường hợp điểm đá phạt quá gần khung thành, hàng rào có thể không cần giữ đúng khoảng cách 9m15 mà chỉ cần một khoảng cách bằng tối thiểu 1/3 khoảng cách từ điểm đặt bóng đến khung thành. Trọng tài có thể cho đội phạm lỗi thêm thời gian để ổn định hậu vệ (hàng rào) nếu tình huống sút đó quá gần vòng 16m50. Có 2 loại đá phạt:

  • Phạt trực tiếp: có thể ghi bàn thắng bằng cách sút bóng trực tiếp từ quả phạt.
  • Phạt gián tiếp: bóng buộc phải chạm một cầu thủ tấn công khác trước khi đi vào lưới thì bàn thắng mới được tính.

Phạt đền

Nếu tình huống dẫn đến một quả phạt trực tiếp mà nằm trong vòng cấm địa thì đó sẽ là một quả phạt đền. Vị trí đặt bóng luôn là chấm 11m. Ngoại trừ cầu thủ thực hiện phạt đền và thủ môn bên đội phòng thủ, tất cả các cầu thủ khác phải đứng ngoài vòng 16m50. Quả phạt đền có thể được thực hiện trực tiếp (sút thẳng) hoặc gián tiếp (chuyền cho một đồng đội khác dứt điểm).

Ném biên

Ném biên là hình thức bắt đầu lại trận đấu khi bóng bị bay ra khỏi đường biên dọc. Người chạm bóng cuối cùng là cầu thủ đội nào thì đội còn lại sẽ được ném biên. Điểm ném biên là điểm mà bóng đi ra ngoài sân.

Từ quả ném biên, bàn thắng chỉ được công nhận là hợp lệ khi tiếp xúc chân ít nhất một cầu thủ khác. Các quy định về một quả ném biên:

  • Quay mặt vào trong sân.
  • Có thể dẫm một phần chân lên biên dọc hoặc đứng hẳn ra ngoài đường biên dọc.
  • Dùng lực đều cả hai tay.
  • Ném bóng từ phía sau liên tục, qua đầu. Cầu thủ ném biên không được chạm bóng lần nữa nếu bóng chưa chạm một cầu thủ khác.
  • Các cầu thủ đối phương phải đứng cách người ném biên ít nhất 2m.

Nếu đội được hưởng ném biên vi phạm bất kỳ quy định nào ở trên, quả ném biên sẽ được trao lại cho đội đối thủ.

Phạt góc

Phạt góc được trao cho đội tấn công khi quả bóng đi hết đường biên ngang do người chạm bóng cuối cùng là cầu thủ đội phòng ngự. Trọng tài sẽ quyết định quả phạt góc được thực hiện từ phía góc bên nào, dựa theo vị trí mà bóng đi ra ngoài sân. Các quy định về đá phạt góc:

  • Bóng đặt trong cung đá phạt góc.
  • Không được di chuyển cột cờ góc.
  • Cầu thủ đối phương phải đứng cách xa bóng tối thiểu 9m15 đến khi bóng được đá vào cuộc.
  • Cầu thủ đá phạt góc không được chạm bóng lần thứ 2 khi bóng chưa chạm cầu thủ khác.

Nếu đội thực hiện đá phạt góc vi phạm quy định trên (ví dụ người thực hiện phạt góc chạm bóng 2 lần), đội phòng ngự sẽ được hưởng đá phạt gián tiếp tại nơi phạm lỗi. Nếu đội phòng ngự vi phạm quy định, đội tấn công được thực hiện lại quả phạt góc.